Đau răng khi mang thai thì phải làm gì?

Phu Nu Co Thai Uong Thuoc Dau Rang Duoc Khong 1

Là phụ nữ thì được làm vợ và được làm mẹ là một điều thực sự hết sức thiêng liêng. Chia sẻ với các bạn một chút thì Giang hiện tại là mẹ của 2 cậu con trai kháu khỉnh. Và Giang hiểu là trong giai đoạn mang thai thì đó là thời điểm mà các chị em thực sự có rất nhiều câu hỏi. Và các câu hỏi về răng miệng thì một trong những vấn đề các chị em thắc mắc nhiều nhất. Bởi nếu chỉ tra cứu sơ sơ các chị em cũng biết được là khi mang thai mà mình bị mắc một bệnh nào đó thì ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của thai nhi. Chính vì vậy hôm nay Giang làm video này nhằm mục đích giúp các chị em giải đáp tất cả các câu hỏi xoay quanh vấn đề răng miệng khi mang thai. Như là khi mang thai đau răng hay sâu răng thì có nguy hiểm không? Có những cách nào để phòng tránh? Nếu bị đau răng khi mang thai thì phải làm thế nào? Điều trị ra sao? Các chị em hãy cùng Giang làm rõ các câu hỏi này nhé

Đầu tiên ta phải hiểu là khi mang thai, cơ thể của các chị em sẽ có sự thay đổi về hoóc môn có tên là Estrogen và Progesterone dễ gây cho lợi sưng, tạo ra sự tích tụ của chất vôi và lây nhiễm vi khuẩn, là nguyên nhân làm cho răng dễ bị sâu và bị viêm tủy răng. 

Vậy tức là khi mang thai thì việc các chị em mắc các bệnh lý liên quan đến răng là điều rất dễ xảy ra, nhất là ở các bạn vốn đã có bệnh từ trước, hoặc cơ địa phần răng không được tốt cho lắm. Tuy nhiên nó không phải là bệnh nghiêm trọng nếu chúng ta có những bước phòng tránh và chuẩn đoán sớm. Cụ thể như sau:

Theo kinh nghiệm từ xưa đến nay, thông thường bác sĩ sẽ khuyên bệnh nhân nên thực hiện điều trị các bệnh lý về răng trong khoảng 3 tháng giữa thai kỳ (tức là từ tháng thứ 4 đến tháng thứ 6) vì đây là khoảng thời gian dễ chịu nhất cho bà bầu đi chữa trị răng. Lúc này thai cũng đã ổn định và thích nghi với cơ thể mẹ nên khỏe mạnh hơn trong 3 tháng đầu. Chứ ở trong thời gian 3 tháng đầu thì mẹ phải kiêng cữ nhiều thứ do thai mới, dễ bị sảy thế nên ta nên tránh những tác động từ bên ngoài, kể cả làm răng. Thêm nữa, thời gian 3 tháng đầu là lúc bé đang phát triển các cơ quan trong cơ thể, môi trường để bé phát triển cũng như tiếp nhận dinh dưỡng cần phải được đảm bảo tốt nhất, tránh những tác động có nguy cơ cao liên quan đến đường máu và sức khỏe của mẹ nói chung. Bất cứ một viêm nhiễm nhỏ nào trên cơ thể mẹ cũng khiến con bị ảnh hưởng. Khám răng, làm răng hay trám răng nên tránh thời điểm này. Các chị em nhớ nhé. 3 tháng đầu ta nên tránh, 3 tháng giữa thai kì thì có thể điều trị được. Thế còn 3 tháng cuối là thời điểm thai nhi đã phát triển hoàn chỉnh, em bé lớn nhanh gây chèn ép khó chịu cho mẹ, đặc biệt khi phải đi lại nhiều, nằm nhiều. Việc khám răng lại đòi hỏi bạn phải đi lại và nằm lâu trên ghế có thể ảnh hưởng đến chất lượng của việc trám răng. Vậy 3 tháng cuối nếu không phải những tình huống bất khả kháng thì chúng ta cũng không nên điều trị răng vào thời điểm này

dau-rang-khi-mang-thai-thang-cuoi-3

Vấn đề tiếp theo Giang sẽ giúp các chị em hiểu rõ là nếu ta điều trị răng khi đang mang thai thì nó có ảnh hưởng như thế nào. Thì khi các chị em có các vấn đề về răng mà phải điều trị tủy, do quá trình điều trị tủy răng phải chụp tia x – quang để xác định được tình trạng tủy răng như thế nào, những tia nhỏ sẽ xuyên qua phần mô xương hàm để vào phần răng cần chữa trị nên cũng không tốt cho thai nhi. Việc điều trị tủy cũng cần phải chích thuốc tê mà trong thuốc có các thành phần có thể gây nguy hiểm cho mẹ và bé. Vì vậy, để có một kế hoạch điều trị tủy khi mang thai một cách tốt nhất, các mẹ bầu nên tìm đến những nha khoa uy tín, bác sĩ phải có tay nghề cao để có thể tư vấn và tìm ra cách chữa trị tốt nhất.

Vấn đề tiếp theo là những cách giúp các chị em giảm đau răng khi mang thai. Thì ở đây Giang sẽ chia sẻ cho các chị em 5 lời khuyên. Đây là những gì Giang đúc kết được từ chính bản thân mình cũng như tìm hiểu và trao đổi với các bác sĩ nên các chị em yên tâm nhé.

Lời khuyên thứ nhất: Sử dụng thuốc giảm đau

Tất nhiên rồi, đối với các bạn đau quá thì chúng ta bắt buộc phải sử dụng đến thuốc để tránh những ức chế thần kinh, cũng như tổn hại về sức khỏe của mẹ. Chứ nếu mà các chị em cố chấp chịu đau quá mức thì nó lại trở thành phản tác dụng. Khi đó không những không giúp ích được mà nó còn gây hại cho bạn và em bé nữa đấy. Nếu ta dùng thuốc giảm đau thì ta nên sử dụng loại thuốc giảm đau chứa acetaminophen (paracetamol), tránh sử dụng thuốc có chứa ibuprofen và aspirin vì chúng ảnh hưởng đến phụ nữ mang thai và thai nhi. Tuy nhiên, do cơ thể của mỗi người mỗi khác nên trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào thì bạn nên hỏi bác sĩ để được tư vấn và sử dụng. Người việt nam có thói quen mua thuốc rất bừa bãi, nhưng khi mang thai các chị em không được chủ quan mà tự ý mua thuốc nhé

Lời khuyên thứ hai: Vệ sinh răng miệng

Vệ sinh răng miệng ở đây thì ngoài việc đánh răng bằng bàn chải lông mềm hay dùng chỉ nha khoa thì các chị em cũng có thể thử cách này để tránh đau răng khi mang thai nhé. Ta sẽ sử dụng một tách nước ấm và thêm một muỗng cà phê muối để súc miệng giúp loại bỏ các mảng bám thức ăn bị mắc kẹt trong răng, gây đau răng. Lặp lại khoảng 2 – 3 lần mỗi ngày và súc miệng mạnh trong 30 giây, sau đó nhổ vào bồn rửa. Lưu ý là nước muối sẽ tốt hơn và phù hợp với mẹ bầu hơn là nước súc miệng các chị em nhé

Lời khuyên thứ ba: Chườm nước đá để giảm đau

Sử dụng một túi nước đá chườm lên má vùng răng bạn bị đau, sẽ giúp giảm đau răng trong quá trình mang thai tạm thời cho đến khi bạn có thể đến gặp nha sĩ. Cái này giúp các chị em có thể giảm cơn đau ngay lập tức mà lại rất tiện vì độ lạnh của nước đá sẽ làm tê và giúp bạn giảm bớt cơn đau. Bản thân Giang thấy cách này rất hiệu quả

Lời khuyên thứ tư: Sử dụng gel hoặc kem chứa Benzocain

Cũng có những tài liệu và một số bác sĩ khuyên các chị em sử dụng cách này. Nó sẽ có tác dụng lâu hơn một chút. Tuy nhiên, trước khi sử dụng một loại gel hoặc kem chứa benzocain thì bạn nên hỏi bác sĩ đảm bảo rằng nồng độ thuốc này là an toàn đối với phụ nữ mang thai. Nếu thuốc đó an toàn thì bôi thuốc lên ngón tay rồi chà lên răng đau và nướu răng của bạn. Lặp lại khi cần thiết, tuy nhiên nước bọt sẽ làm giảm tác dụng của thuốc theo thời gian.

Lời khuyên thứ năm: Nên đi khám nha sĩ

Bạn nên lên lịch đến khám nha sĩ để tìm và giải quyết các nguyên nhân gây ra tình trạng đau răng. Các phương pháp điều trị trong thời kỳ mang thai (gồm hàn răng, điều trị tủy…) là có thể chấp nhận được. Hãy nói với nha sĩ của bạn rằng bạn đang mang thai để nha sĩ có các phương pháp điều trị đặc biệt như bỏ qua khâu chụp X -quang và tránh một số thuốc không an toàn trong thời kỳ mang thai. Nếu bạn còn lo lắng thì nha sĩ sẽ điều trị tạm thời để ngăn ngừa đau răng, việc điều trị triệt để sẽ được tiến hành sau khi bạn không còn mang thai nữa. 

Bạn nên nhớ nhé: Sức khỏe của mẹ cũng chính là sức khỏe của bé. Phòng bệnh hơn là chữa bệnh nên bà bầu hãy chăm sóc sức khỏe răng miệng thật tốt để không bị đau răng, viêm lợi khi mang thai. Cuối cùng, đó là hãy vệ sinh răng miệng hàng ngày tốt và khám nha sĩ định kì 3 – 6 tháng/ lần. 

Chọn ngôn ngữ »